Thứ Ba, 8 tháng 10, 2019

MCTĐ HỌP MẶT - ĐÓN PHẠM PHAN LANG -PHƯƠNG HOA & CÁC MINH CHÂU

CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI MỘC HOA VIÊN





ĐÓN PHAN LANG
(Thể Khóan thủ + Tính Danh - Thương tặng các bạn yêu và các Viên Ngọc Quý)

PHAN LANG “gươm lạc giữa rừng hoa”
MINH THUÝ  xăn tay hú đến nhà
DUNG ĐỖ đầu tầu chèo kéo lại
PHƯƠNG HOA đuôi nhóm rủ rê qua
THU TÂM lặn ngụp còn bung dậy 
KIM PHÚ nổi trôi đã dzọt ra
LÊ DIỄM xa xôi lôi cũng tới
NHƯ THU cùng bạn “quậy” vui oà

Phương Hoa - OCT 5th 2019



 BÀI HỌA CỦA NHƯ THU

BẠN HIỀN DẤU YÊU
(Hoán vận-Tính Danh -Thương tặng MCTĐ)

Rạng rỡ, ồn ào tám đóa hoa
Người dưng khác họ thể chung nhà
PHAN LANG cảm động bao lời chúc
MINH THÚY chưng bày mấy món ra
LÊ DIỄM đâu gần nhưng vẫn ghé
THU TÂM nào rảnh lại còn qua
PHƯƠNG HOA, DUNG ĐỖ đều vui thích 
KIM PHÚ, NHƯ THU giọng vỡ oà! 

Như Thu
10/6/19


 BÀI HỌA CỦA KIM PHÚ

NIỀM VUI HỌP MẶT MCTĐ 
(Thương tặng quý MCTĐ)

Tiếp cận “gươm vàng”…các “đoá hoa”
PHAN LANG;  MINH THÚY đón nơi nhà
THU TÂM, LÊ DIỄM cùng tham dự
DUNG ĐỖ, NHƯ THU cũng kéo qua
BÉ PHÚ, PHƯƠNG HOA vui tợ hội
Phu quân các đấng trổ tài ra
Tiệc bày rôm rả thêm no mắt
Tâm sự, ca ngâm…lại vỡ oà

Bé Phú 
Emeryvill, 10/6/2019

BÀI HỌA 2:
Gươm - Hoa Của MCTĐ Hạnh Ngộ

Đến lúc “Gươm Vàng” lẫn giữa “Hoa"
Trời Đông Ngọc Sáng tựu chung nhà
Phan Lang, Dung Đỗ cùng Minh Thúy
Lê Diễm, Thu Tâm cũng cố qua
Kim Phú Như Thu đâu lỡ dịp
Phương Hoa lắc lẻo gót hài ra
Thọ, Lộc, Sơn, Hương cưng vợ quá
Mệt vả mồ hôi, chẳng khóc oà…

bé Phú



BÀI HỌA CỦA MINH THÚY

Một Ngày Vui 
(Hoạ thơ chị Phương Hoa)

Tâm , Phú ,Hoa ,Thu đã nhất hoà 
Lang , Dung , Diễm , Thuý họp vui nhà

Tình em đẹp cảnh nâng ly lại 

Nghĩa chị tươi đời chúc tiếng qua 

Bánh cuốn , xôi chè ăn mệt nghỉ 

Bún bò , gỏi mít nhậu cành ra 

Đường xa chẳng sợ lòng ưu ái 

Tám đoá “bông xinh “quậy rộn oà

Minh Thuý (Thành Nội) 
        10/ 6/2019 



THƠ LỤC BÁT

MỘT NGÀY KHÓ QUÊN


Tháng mười sinh nhật vui ghê!

Đỗ Dung chịu khó rủ rê mọi người

Đến nhà Minh Thuý bạn ơi!

Thu Tâm bận rộn quá trời cũng đi

Thương nàng Kim Phú kể chi

Đường xa bất tiện...lo gì chị tui?

Bình tâm chớ để rối nùi
Có anh Hương, Lộc cùng vui đón nàng 
Nhìn qua Lê Diễm vội vàng
Xăn tay rửa bát lẹ làng cũng xong
Như Thu cảm nhận ấm lòng
Phương Lang giúp dọn bánh phồng thật mau
Phương Hoa giọng nói ngọt ngào
Đầu tiên gặp gỡ câu chào đáng yêu
Thức ăn bày biện quá nhiều
Bún bò, gỏi mít làm xiêu dạ dầy
Bánh Flan, xôi bắp nằm đây
Còn thêm bột lọc ngất ngây chúng mình
Đậu xanh, xôi cẩm ân tình
Cà phê sữa đá ưa nhìn không anh?
Bông lan thấm đượm mùi chanh
Nhẹ tay khẽ nhón nhưng đành xơi luôn
Mít vàng tươm mật chẳng buồn
Đĩa nho mát lạnh còn vương đợi chờ...
Tiếp theo đến mục hát hò
Ngồi nghe run sợ lòng lo gọi mình
Thế rồi chuyện vãn linh tinh
Choàng vai, nghiêng dáng chụp hình thích ghê!
Anh Sơn, anh Thọ ra nghề
Bấm liền mấy lượt chẳng chê bao  giờ
Nhiều phen cứ ngỡ là mơ
Hoàng hôn nắng ngã như chờ chia tay
Thời gian chẳng biết đợi ai
Ôm nhau từ giã một ngày khó quên!

Như Thu - 10/06/19




Mùa Thu quyến luyến 

Cali có nắng nhẹ ru 
Phạm Lang đã đến trời Thu đón chào 
Chị em cảm xúc dâng trào 
Phương Hoa , Dung Đỗ ngọt ngào tình thương 
Thu Tâm , Kim Phú tỏ tường 
Như Thu , Lê Diễm lái đường trường xa 
Đến cùng Minh Thuý một nhà 
Chúc mừng tên tuổi vui ca rộn ràng 
Bánh hoa thổi nến gởi làng 
Minh Châu sinh nhật Thu vàng nên thơ 
Cuộc đời vẫn đẹp như mơ 
Dẫu rằng tuổi hạc ơ thờ gọi tên 
Cài hoa điểm phấn vui lên 
Kề vai hạnh phúc tăng thêm tuổi đời 
Chớp hình lưu niệm chung thời 
Nâng từng giây phút tuyệt vời bên nhau 
Mong thời gian chớ qua mau 
Hoàng hôn thấp thoáng sắc màu lá rơi 

Minh Thuý 
         Oct 6/2019

VĂN TƯỜNG THUẬT

TIỆC VUI NHÀ MINH THÚY
Phan Lang

 Trước khi đi tìm ngắ́m Thu vàng ở Canada và vùng Đông Bắc Hoa Kỳ hai tuần, PL và anh xã Barry về Redwood City, Bắc Cali, thăm gia định con gái một tuần, từ ngày 2-10/10.
     Nhân dịp này, chị Đỗ Dung đã có nhã ý kêu gọi các chị và các bạn MCTĐ ở Bắc Cali một buổi họp mặt và Minh Thúy đã tịnh nguyện làm khổ chủ.
     Hôm nay, 5/10, nhóm MCTĐ gồm có chị Đỗ Dung & anh Thọ, chị Lê Diễm & anh Sơn (bạn), cḥị Thu Tâm, chị Kim Phú, Như Thu & anh Hương, Phương Hoa và PL đã có mặt tại nhà Minh Thúy & anh Lộc từ 10:30 sáng.  Các anh chị và các bạn mang nhiều thức ăn đậm đà tình quê hương như Bánh Bột Lọc, Xôi Bắp, Bánh Cuốn, Xôi Cẩm, Bánh Đậu Xanh, Kem Flan Cafe, Cup Cake, Cafe Sữa Đá... đó là chưa kể các món Gỏi Mít Tôm Thịt, Bún Bò Huế, Mít... mà gia chủ Minh Thúy đã bỏ nhiều thì giờ và công sức sửa soạn, nấu nướng.
     Ngoài các món ăn ngon tuyệt cú mèo kể trên, các chị và các bạn còn tặng bánh Sinh Nhật ngon và hoa tươi đẹp cho chị Vi Vân, Ngọc Hà, Thu Hương, PLang và tất cả các Minh Châu có SN trong tháng 10. PL có diễm phúc được thay mặt các chị nhận lãnh với lòng chân thành cám ơn và cảm động. 
      Buổi tiệc kéo dài trong tiếng cười nói râm ran, sau đó là màn ca hát, ngâm thơ, tán gẫu, tâm tình....mãi đến 7:30 tối mọi người mới chia tay ra về trong sự bịn rịn, luyến tiếc và hẹn gặp lại nhau trong kỳ Đại Hội VBMĐHK vào Tháng Ba sang năm.
       Trong email này PL chỉ xin kể vắn tắt buổi họp mặt thân thương hôm nay và Phương Hoa sẽ viết bài "tường trình" với nhiều chi tiết vui và hấp dẫn hơn.  PL xin mượn email này để cám ơn chị Đỗ Dung, chị Kim Phú, chị Lô Diễm, chị Thu Tâm, các bạn Minh Thúy, Phương Hoa, Như Thu và các ông anh rễ Thọ, Lộc, Hương, Sơn đã cho PL ṃột ngày họp mặt thật vui, thân tình với những kỷ niệm khó quên.  PL cũng xin đặc biệt cám ơn khổ chủ Minh Thúy & anh Lộc đã tiếp đón các bạn niềm nở, ân cần và cám ơn anh Sơn, chị Lê Diễm đã cho PL quá giang về nhà.
       Dưới đây là vài tấm hình của buổi họp mặt, PL sẽ gửi album hình khi làm xong.
       Xin chúc quý chị em MCTĐ một đêm an giấc và luôn vui, khỏe, hạnh phúc.

Thương quý,
PLang



CHUYỆN CŨ...GIỞ RA MỚI
Phương Hoa
   “Reng...Reng...”
    – Phương Hoa phải không? Phan Lang nè! Mình đã đến đây hôm qua rồi!
        Sau cú điện thoại với Phan Lang, nàng cho biết đã “nhập cảnh” Vùng Vịnh là nhóm MCTĐ Bắc Cali “cực kỳ” chộn rộn chạo rạo đến…ỳ xèo.
       “Meo” réo “phôn” reo, các bồ tèo chị em xúm nhau bàn tán. Cả chục ngày qua sáng sáng P.Hoa dậy sớm chạy ra vườn tưới tươm tưới tất mấy chậu lá cẩm cho thật mượt mà, vì chúng càng dài càng già thì màu tím Huế sẽ đậm đà bắt mắt, cầm chắc là nồi xôi lá cẩm sẽ vừa ngon vừa giòn vừa dẻo để đãi những người bạn quý yêu MCTĐ.
       Cũng giống mọi khi, nàng thơ Minh Thuý và anh Lộc chàng người dưng khác họ luôn hoan hỷ xung phong “cho vay địa chỉ” để nhóm tụ tập lại đón chào khách xa, đặc biệt kỳ này khách lại là một “thanh gươm đi lạc giữa rừng hoa” nên được cả nhà trân quý hết ý!
        Với cái tiểu sử là một “nữ Tá quan” của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ, dù gì nàng Phan Lang cũng làm rạng danh con cháu Hồng Bàng, nhất là rạng danh cánh kẹp tóc truyền nhân của Hai Bà Trưng Triệu.  Cho nên mọi người mừng tíu mừng tít rối rít chuẩn bị cho xôm!
      Nghe Phan Lang nói sẽ đến sớm, sáng thứ Bảy P.Hoa hấp xong nồi xôi lá cẩm, tắm rửa xong là lên xe te te vọt liền, thế mà khi đến nơi thì chao ơi, khu vực trước nhà Minh Thuý đã không còn chỗ trống để đậu xe, báo hại phải chạy đi xa lắc xa lơ mới vớ được một rẻo nhỏ xíu nhỏ xiu quạnh hiu vô cùng không ai “đụng” tới: đó là chỗ cái ống nước đàng trước một ngôi nhà đầy hoa. Thôi thì một liều ba bảy cũng liều, bữa nay thứ Bảy chắc không có ông bà cò đi phạt “mấy con bò lạc” đậu trật luật!
      Sau một hồi xịch tới xịch lui cuối cùng “tài xế lụi” cũng chui vào được, nhưng cái bước khổ kế tiếp là việc “bưng bê hành lý” vì đậu khá xa nhà Minh Thuý nên phải tính sao đây. Thế là vai mang túi xách, nách kẹp IPhone, tay bê khay xôi, trên đôi giày cao gót những bước chân “catwalk” lắt la lắt lẻo trên vĩa hè, ai mà nhìn thấy chắc cũng phải cười toe loe hết cỡ!
       Cứ ngỡ là mình đi sớm, nhưng khi đến nơi thì đã có mấy người “giật cờ nhứt!” Giựt cờ nhất là nàng Phan Lang, được con rể chở đến, và Như Thu được chàng xã Hương, chuyên gia trồng Dạ Quỳnh Hương đã gợi hứng cho mọi người sáng tác mấy chục bài thơ xướng họa tuyệt vời về Dạ Quỳnh, đưa đến, chị Lê Diễm thì có “người ấy” Sơn đi cùng.
    Phương Hoa bước vào thấy chị Lê Diễm đang rột rẹt rửa chén bát, Như Thu chộn rộn sửa soạn bàn ăn, chị Thu Tâm lăng xăng sang sớt ra đĩa ra tô, Phan Lang thì...chạy sô ra vô bưng bê từ nhà bếp đến phòng khách. Chủ nhà Minh Thuý hôm nay trông... thật oách, đứng chỉ huy lấy món nọ bợ món kia, tay chỉ, miệng lia chia giọng “rặc” Huế: “Chị coi cắt dùm đi tề!” “Chị đã đủ chưa? Bên ni đủ rồi!” “Chị đừng để lộn vô chỗ ni nghe!” “Nhưng lộn cũng không có răng mô!” 😀😀😀😀😀😀
      Ô hô ai tai! Ai nói tiếng Huế giỏi hãy đọc to chỗ này lên nghe đi, đọc để nhớ đến Hoàng Dung DC, nhớ cái hôm nàng Dung Phi đại náo Hayward kể chuyện cô gái Huế rao bán, “Ai đu đủ, bánh tét, vịt lộn...kh…ô…ô…ng?” Rao một hồi đến khuya mỏi mệt nên lười, cô ta “cắt ngắn” lại chỉ còn, “Ai đủ tét lộn kh...ô...ô...ng?” 😀😀😀😀😀😀
       Chao ơi! Nhìn cái bàn thức ăn rực rỡ đủ sắc đủ màu làm cho P. Hoa cảm thấy cái bụng đói meo, nước miếng cũng tuôn theo, nào bánh ướt, bánh ít, gỏi mít, bánh bông lan, gỏi cuốn, xôi đậu xanh, xôi cẩm, mít tươi, bún bò Huế, bánh mè, rồi cà phê ngọt thơm của chị Kim Phú, chè rong biển đặc biệt của Minh Thuý ... ôi không thể nào đếm xuể!
       Nói của đáng tội. Thấy cái bàn thức ăn... thèm đến rõ dãi mà đâu đã được ăn vì người chưa đủ. Rủ nhau “tranh thủ” chụp trước mấy tấm hình thì Minh Thuý nhà ta “ra lịnh” không được! “Vì chị Bé Phú đến sau thấy mình chụp hình không có chị ấy thì chị sẽ... khóc cho mà coi!” Minh Thúy nói. Thì thôi, mọi người đành phải thụt lui vào bên trong ngồi ngóng đợi.
       Rồi thì chị Đỗ Dung cũng được “chàng rể” Thọ của MCTĐ đưa đến, chị Bé Phú đã réo từ trạm xe Bart và anh Lộc cùng anh Hương (Như Thu) “thân chinh” đi đón người đẹp mít ướt về. Thế là cả nhóm đề huề kéo nhau ra nhà sau “ẹo lại ẹo qua” tạo dáng thướt tha chụp hình tá lả. “Chụp cho đã kẻo sau khi ăn thì môi răng đều... khó coi hết nếu chụp hình nhìn… ghê chết!” Tiếng người nào đó
 nói.
     “Bốn chàng ngự lâm” Hương, Sơn, Thọ, Lộc bị  xoay như chong chóng với bốn cái dụng cụ chụp hình, quay bên Đông rồi vòng bên Tây, mà các nàng còn réo ầm réo ỹ, chỉ chỉ chỏ chỏ bắt chụp chỗ này rồi chớp chỗ kia, cho đến khi các nàng hoàn toàn vừa ý và “ban thưởng” cho họ bằng cách kéo các chàng vào chụp chung một số hình.
     Thở phào! Cuối cùng rồi cả nhóm cũng kéo hết vào trong, và cái mục mà “bao tử chờ mong” cũng đã đến. Nhưng vẫn chưa được đụng đến các món ăn, vì còn một tiết mục …độc đáo và ý nghĩa hơn. Đó là mục Chúc Mừng Sinh Nhật tháng 10 cho mọi người, cho những Viên Ngọc Quý của MCTĐ, trong đó có Phạm Phan Lang nên mời nàng làm đại diện. Chiếc bánh kem trang trí thật bắt mắt, đẹp rực sắc màu nền trắng với những chữ màu xanh đậm, ghi lời chúc Happy Birthday tới Lang Phạm, Ngọc Hà, Vi Vân, Thu Hương, và G/đ chị Thêm… tiếc là khi về nhà mới biết tháng 10 còn có sinh nhật chị cả Ngọc Hạnh nữa…
        Phan Lang đã tỏ ra bất ngờ và rất cảm động với món quà sinh nhật này. Mọi người cùng gắn lên những ngọn nến đầy màu sắc, đốt lên, và Phan Lang đại diện các MCTĐ có sinh nhật, đọc lời cầu nguyện.  Giữa tiếng vỗ tay vang dội và tiếng hát bài “Happy Birthday” của mọi người, Phan Lang đọc lời cầu nguyện thật to cho mọi người cùng nghe, “Cầu cho tình bạn của MCTĐ mãi mãi trường tồn và luôn luôn vui vẻ như ngày hôm nay… Thật là cảm động, nàng “Gươm lạc giữa rừng hoa” không chỉ cầu nguyện cho riêng mình! Xong mọi người cùng Phan Lang thổi nến và cùng nhau cắt bánh.
Vì đói và vì quá vui, lúc này mọi người tha hồ thưởng thức. Món nào cũng tuyệt cũng ngon nhưng quá nhiều món làm cho bụng của ai cũng không còn chỗ chứa. Khi đã buông lơi đũa thì chuyện trò, tâm sự bắt đầu tràn ra. Từ những câu chuyện xưa xa đến chuyện buồn vui hiện tại, nổ ra như pháo đại đêm Giao Thừa.
       Mọi người quan tâm thăm hỏi lẫn nhau, chị Kim Phú kể về “ông thần lưu linh” của chị đã ... dứt tình hẳn với nàng ma men từ cái ngày nhóm MCTĐ cùng “chung tay” gián tiếp khuyên nhủ “chàng” sau khi anh bị một trận thất kinh thập tử nhất sinh vì rượu hại. Mọi người nghe nói đều chúc mừng cho anh chị đã lấy lại được hạnh phúc buổi ban đầu.
       Đến những câu chuyện của chị Thu Tâm thì không gian như ngừng lại. Chuyện đã cũ, đã mấy chục năm qua, nhưng khi dở ra thì vẫn còn …rất mới, mới toanh! Giọng thanh thanh đều đều, chị Thu Tâm kể về cuộc đời dâu bể, biết bao nhiêu lần chị và gia đình phải đối mặt với khó khăn trên chính quê hương của mình sau cái ngày nước mất vào tay chính quyền phương Bắc, chị kể về việc lặn lội đi thăm chồng mà sự chết sống gần như trong gang tấc.
      Chị kể với nét mặt vô hồn, như nuốt cả vào lòng sự oán hận lẫn đau thương.  Mọi người dường như nín thở khi chuyện của người chồng sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng của chị bị bọn quản giáo trại tù hành hạ dã man. Anh đã bị thương nặng ở phổi, bị hộc máu vì tai nạn cây đập khi đi chặt cây trong rừng, người không còn sức sống, mà bọn chúng vẫn không tha. Chúng đày anh qua tổ làm phân Bắc, là trộn phân tươi của người vào đất rồi đem đi bón hoa màu. Người anh đang rất yếu, bước đi không nổi, nhưng cũng ráng sức dùng một khúc cây, quậy vào đống phân tươi để trộn. Tên quản giáo đứng đàng sau ra sức hét la, kêu anh phải dùng tay để mà bóp trộn chứ không được dùng cây! Nhưng vì đang mệt anh đã không nghe thấy lời của tên ác nhân vô loại.
      – Thế là hắn ta dùng bán súng từ đàng sau quật tới, đánh vào đúng chỗ phổi đang bị thương, anh ngã nhào úp mặt vào hố phân và hộc máu tươi ra lần nữa...  Chị Thu Tâm kết thúc câu chuyện.
      Thời gian như ngừng trôi. Mọi người như bất động. Ngụm cà phê ngọt thơm trong miệng P.Hoa chị Kim Phú mới đưa cho chợt trở nên đắng chát, vô vị, nước mắt P.Hoa lặng lẽ rơi rơi.
       Trời ơi! P. Hoa chỉ biết kêu trời thầm với cõi lòng đau nhói. Thương anh người cựu quân QLVNCH vì sa cơ đã bị thù hành hạ, thương cho chị Thu Tâm người vợ hiền đảm đang chung thủy. Tội nghiệp chị. Nỗi đau này biết thuở nào nguôi...
       Tiệc chưa xong nhưng coi như đã tàn, thức ăn còn đầy bàn mà mọi người đều muốn thay đổi không khí, “quậy” một tý cho đời vui hơn.  Thế là các giọng ca mượt mà, các giọng ngâm lâm ly bi đát, cũng như các giọng ... hét đều lần lượt “lên gân” làm cho bầu không khí thêm phần náo nhiệt. Chị Thu Tâm hát trước với giọng ca ngọt ngào, rồi ngâm thơ rất hay, Phan Lang cũng "lòe" mọi người với giọng trầm buồn của Thanh Thúy, rồi chị Đỗ Dung, Minh Thúy, đến P.Hoa cũng phải...thả ra giọng ngâm "thùng thiết bể" để ...hù thiên hạ, rồi các chị lần lượt "tỏa" nghề, Kim Phú, Như Thu, Lê Diễm, dù dở dù hay hỏng ai mà dám...chạy làng!😆😁😁
            Cuộc vui đang tiếp tục rộn ràng, thì có điện thoại “chị cả Hồng Thủy” từ Thủ Đô gọi qua. Ôi chu choa, vậy là mọi người thi nhau nói với chị, giành nhau mà tâu mà báo, như pháo nổ rân trời. Phương Hoa ôm cái phone chạy qua chỗ bàn ăn còn tràn đầy các món, rọi soi vào khoe cho chị cả…khen chơi!
          Chị Hồng Thủy giọng nghe cũng rộn ràng reo vui theo đám đàn em lao nhao từ nửa vòng…nước Mỹ. Chị còn căn dặn kỹ, là tháng Tư năm sau các em phải cùng nhau có mặt ở Thủ đô để dự đại hội Văn Bút và ngắm Anh Đào.
       Chị Hồng Thủy tắt phôn mà bên này còn râm rang bàn tán về chuyện sắp về Thủ Đô năm tới. Sau đó là mục linh tinh, mục tâm tình tiếp tục. Trong thời khi chuyện trò thân thiết, Phan Lang cũng đã tâm sự với P.Hoa nhiều điều, cảm động biết bao nhiêu, nhưng trong bài này không đủ chỗ nên hẹn sẽ viết riêng về “thanh gươm” này trong một bài khác vậy.
        Cuộc vui nào rồi cũng tàn, buổi tiệc nào rồi cũng tan.  Những tiếng cười đùa hôm nay cũng sẽ còn vang vang trong tâm thức của mọi người. Cám ơn đời cám ơn Trời đã cho chúng con, những Viên Minh Châu của Trời Đông, chim trời cá nước gặp nhau, cùng đổi trao tâm sự và chia sẻ vui buồn, cùng khóc cùng cười cùng vui tươi và cùng lo lắng.
        Chúc tất cả các Viên Minh Châu Trời Đông đều may mắn…
     I LOVE YOU ALL!!!😆😆😆😆😆😆
Phương Hoa - OCT 7th 2019






THÁNG 10 CÓ GÌ LẠ?


Minh Thúy

        Kể về tháng 10 này hiện tại tuần đầu tiên có chị Phạm Lang đến Cali, chị em muốn họp mặt chào mừng , dĩ nhiên nhà tôi là nơi thuận tiện đường đi quen thuộc để các chị em tới hơn là đến nhà các chị. Tôi tự nhủ với lòng “quyết không để sa ngã la cà bất cứ nơi nào rủ rê, nhất định chỉ biết chị em MCTĐ.

       Đây là thời gian rộn ràng phone nhau ơi ới, đầu tiên chị Đỗ Dung:
_     - MT tính sao đây , ai làm món gì cho biết chứ đừng để 5 hộp Nho, hay 5 khay mì,  5 khay xôi , hoặc 5 nồi chè đem tới ...thì..chệt ..giấc ..., mà không chệt thì cũng ...méo mặt ...


      Tôi đưa ra món mình sẽ lo là bún bò, gỏi mít trộn xúc bánh tráng, nồi chè thập cẩm gồm hạt sen, táo tàu, đậu xanh, nếu gặp mít thì bợ luôn


       Chị Đỗ Dung cũng khoe:


     - Nhiều món quá , bây giờ order trên tận Oakland xa xôi chẳng nhờ được ai lấy, thôi thì mình nấu nồi xôi bắp vậy, và mua thêm trái cây.


    Liên lạc chị Phương Hoa nghe giọng thiệt hăng hái:


_  -Tui nấu xôi tím, đổ bánh xèo cả chay lẫn mặn, làm thêm ...


     Vốn dĩ cái tính hung dữ, không để nói hết, tôi chận lại la lớn:


     -Không làm nhiều món , làm kiểu đó chắc tối mới tới nhà em quá , một món xôi tím độc đáo , mà lần nào bà con cũng yêu cầu, chừng đó thôi!


      Đêm lại nghe Như Thu gọi giọng nói trong trẻo:


_    - Ê ..MT ! nghe nói chị Phương Hoa ăn chay trường phải không? chắc NT đổ khay bánh cuốn chay để chị Phương Hoa dùng.


     Nghe nói tôi khoái quá reo lên:


_   - Đúng ý mình ghê  , như rứa ta yên tâm vì đang định làm thêm món chay cho chị PH đây!


      Như Thu còn lên giọng:
_  - Đâu phải một món đó , NT sẽ làm vài món nữa như bánh ngọt chẳng hạn.


     Tôi cũng không giữ được vẻ dịu dàng nói to:


_   - Không làm thêm gì nữa hết, từ nhà đi tới đây mất gần 3 tiếng đồng hồ, lo sửa soạn dung nhan chụp hình nhìn cho đặng , làm nhiều món rồi lại lụp chụp đầu bù tóc rối là ...tớ đây không cho bước vô nhà à nghe, nàng cười ...hic..hic...ok ...ok


       Đến lượt chị Kim Phú cũng phải răn đe khi nghe chị gọi phone khoe với giọng hớn hở:

       - Bé Phú làm gỏi cuốn tôm thịt, sushi, cà phê sữa ...
       Sợ Bé kể tiếp , tôi chận lại:


       - Tốp...tốp...tốp nghe, chỉ một món thôi, nghĩ sao đi 2 chuyến xe bus mới đến trạm xe Bart, còn đòi na lỉnh kỉnh tay xách tay mang , nói lần cuối nè “chỉ một món!"

      Chị nghe ...sợ bà chằng quá nên ríu rít...ok..!


      Còn lại chị Lê Diễm vì tài năng chị cao quá, là nhà báo, viết bài, cọng tác nhiều tờ báo, làm phóng sự nên chạy ngược Sacramento, chạy xuôi Nam Cali công tác, không ai liên lạc được mặc dầu trước đó chị có lấy địa chỉ nhà tôi một lần.


     Chị Thu Tâm gọi tôi nôn nóng:
     - Không được tin tức gì của Lê Diễm hết
      Sáng hôm ấy chị Lê Diễm phone báo sẽ đến đón chị Thu Tâm về họp mặt, ôi còn điều chi vui sướng hơn nữa với tin giờ chót!


       Tháng 10 trời Thu với ánh nắng thật dịu dàng, buổi sáng thứ bảy (10/ 5). Chi Phạm Lang đến trước tiên, nét mặt diễm kiều của một giai nhân mà tác phong thật uy nghi bản lãnh của nữ quan tá oai hùng, vác chiếc máy hình nhắm mọi nơi chụp lia lịa.


      Lần lượt các chị đến đem thức ăn quá trời, có ai thèm ...sợ tôi đâu, Như Thu kéo cả va ly chứa mấy món, chị Thu Tâm, chị Lê Diễm bánh lọc, bánh đậu xanh, trái cây, chị Phương Hoa khay xôi lớn dùng chục người chưa hết, lại chị Đỗ Dung khay xôi bắp dùng cho cả làng, lúc đó lòng tôi hơi ân hận “tại sao phải để chị làm trong khi mũi ràng dây Oxy để thở khó khăn, anh lại trên 85 tuổi rồi mà 2 ông bà phải hì hục vất vả thấy thương quá đi ...”


      Chị Phạm Lang đem quà Hawaii bánh kẹo, nut và mỗi người được cài lên tóc đoá hoa xinh xắn trông ai cũng trẻ đẹp duyên dáng chi lạ.


      Vì sợ trôi phấn son nên trước tiên chúng tôi muốn chụp hình cho tươi tắn, đem bánh sinh nhật thắp nến cùng hoa tươi chúc mừng đến quý chị em MCTĐ có sinh nhật tháng 10, mà chị Phạm Lang đại diện. Mấy ông xã tha hồ làm việc cùng máy hình chớp thiếu đường cháy máy, các bà nghiêng ngửa tạo dáng  nhìn cũng “ngây thơ trăm lá" lắm chứ bộ ...thua ai mô!


     Thức ăn ngập mặt, ăn lai rai đến chiều, mọi người đều  hát hò , ngâm thơ hoặc ca cải lương vui nhộn, rồi tâm tình lúc cười lúc khóc theo chuyện quá khứ đầy buồn đau uất nghẹn.


       Câu chuyện hình như không muốn dừng nhưng bên ngoài đã loáng thoáng bóng hoàng hôn , nhắc nhờ cuộc chia tay làm tôi nhớ mấy câu thơ của Nguyên Sa:


“Mai tôi đi , tôi chắc trời mưa mau
Nhưng mưa thì mưa , tôi cũng phải bước đi
Vì dù chậm thế nào thì mình cũng phải xa thôi ...”


      Hôm nay trời không mư, nhưng bóng chiều đã xuống, đã ngắt thời gian thân mật tình chị em, niềm vui tuy dứt ở đây, nhưng chắc hẳn nó sẽ đọng mãi trong tâm hồn mỗi người, là nguồn yêu thương, là năng lực làm tăng tuổi thọ giữa cuộc đời  còn ngắn ngủi này
Ôm nhau, quyến luyến, bịn rịn ...ôi khoảnh khắc thật xúc động và tuyệt vời, một ngày vui qua mau ...


    Minh Thuý
     10/2019

Chuyện thêm ...
Lộc có nhiệm vụ lấy thức ăn đặt dùm chị dâu cúng giỗ chồng, vì đêm trước tôi có lên Chùa hộ niệm cầu nguyện, nên chiều thứ bảy tôi xin được ở nhà
Vì vui quá nên ai cũng quên, tôi quên chuyện ông dôn ra khỏi nhà 4 giờ, đáng lý tôi phải có nhiệm vụ chở chị Kim Phú ra xe Bart sớm, hoặc chọn cách thứ hai là chị KP ở lại đêm (như đã ở lại trước đó) rồi sáng mai về
Lần này ham chuyện trò trễ, chị KP đi Uber tôi vốn Hai Lúa nhát gan nghĩ bậy nên lo lắng, canh nửa tiếng tôi gọi liên tục không biết bao nhiêu cú mà khôngđược , nóng ruột quá tôi gọi sang chị Đỗ Dung nhắc chị gọi thử
Hồi sau có phone chị KP gọi lại


Bé Phú ...xin ...lỗi nghe, tại vì mệt quá, bước vô nhà thay quần áo, chưa kịp ...tròng quần thì...thì...thăng luôn, may anh xã nghe phone gọi nhiều quá đem vô thức bé Phú dậy đây ....ha...ha...ha....


Tôi cũng còn cảm xúc buổi gặp gỡ , muốn mần vài câu Lục Nồi, nhưng mới nửa chừng cũng ...gục luôn ...ha...ha...ha...người ta nói năng lực của tình yêu mạnh lắm, còn đây năng lực tình nghĩa MCTĐ cũng mạnh vậy...phải không quý chị em ?




💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝💝




Thứ Ba, 1 tháng 10, 2019

CÁC SÁNG TÁC SẮC MÀU MÀU THU - MINH CHÂU TRỜI ĐÔNG

CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN VỚI MỘC HOA VIÊN




NGUYỄN THỊ THANH DƯƠNG

NGUYỄN THỊ THÊM





HỒNG THỦY

SƯƠNG LAM

SAO KHUÊ


VI VÂN


PHAM PHAN LANG

MỜI NGHE Ca khúc:  Tiếng Thu
   Thơ:  Phamphanlang
   Nhạc:  Mai Hoài Thu
   Hòa âm:  Quang Đạt
   Ca sĩ:  Vân Khánh 

Hình ảnh mùa Thu ở Butchart Gardens Victoria, Canada

     Vườn hoa Butchart ở Victoria, Canada được biết đến là vườn địa đàng Bắc Mỹ, có lẽ là một trong những vườn hoa đẹp nhất thế giới với đủ loài hoa khoe sắc muỏn màu quanh năm rực rỡ.

     Vườn hoa Butchart có nguồn gốc từ m̀ột khu vườn nhỏ của gia đình Butchart.  Từ khu đất mỏ đá vôi cũ kế cận ngôi nhà của mình, bà Butchart  đã tạo nên khu vườn Sunken xinh đẹp.  Năm 1904, vườn Sunken chịnh thức mở cửa chào đón du khách đến thăm.  Tiếp theo đó là vườn hoa hồng, vườn Ý và vườn Nhật được thành lập để tạo thành vườn Butchart.  Hàng năm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp của khu vườn với nhiều loài hoa quí đầy sắc màu đã thu hút khoảng một triệu du khách đến viếng thăm.

     PL đến thăm vườn hoa Butchart vào giữa mùa Thu 2005 và ngỡ như mình đã lạc vào vườn địa đàng của sắc màu.  Từ vàng nhạt, vàng mơ, vàng chanh, hoàng yến đến đỏ rực, đỏ tươi, đỏ thắm, đỏ tía...lung linh trong nắng Thu đã làm PL  đắm say, ngây ngất trong bức tranh rực rỡ muôn màu.


 Xin mời ngắm Thu vàng trong Vườn Butchart, Victoria:
trong Google photo:


 THU HƯƠNG

THANH HÒA
BÀI HỌA THƠ THANH HÒA CỦA KIM PHÚ

LÊ MỸ HOÀN


NHƯ THU


MINH THÚY




KIM PHÚ








TƯỜNG THÚY

TUYẾT PHAN


PHƯƠNG HOA




VĂN VIẾT VỀ THU


TÌM MÂY
Đỗ Dung

       Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay lượn trên không rồi từ từ thả mình xuống mặt đất.  Thỉnh thoảng một cơn gió nhẹ lướt qua, đám lá trên cành lao xao và khi trời lộng gió từng đám lá lià cành tung mình khắp không trung.  Cảnh đẹp như tranh vẽ. Chỉ vài ngày nữa thôi, chiếc lá cuối cùng rụng xuống, cây sẽ chỉ còn những cành trơ trụi, khẳng khiu.

        Bà bước ra khu vườn nhỏ, lững thững đặt chân trên thảm lá vàng, những chiếc lá khô như vỡ vụn dưới từng bước chân.  Không gian tĩnh lặng, êm đềm.  Bà hít thật sâu, thở ra thật nhẹ.  Bà đếm từng hơi thở, chú tâm đến từng bước chân đi, đầu óc nhẹ nhàng, tâm hồn thanh thản.  Cứ lẳng lặng như thế cho đến lúc thấm mệt bà ngả người trên chiếc võng ngước nhìn lên trời cao tìm mây.  Trời xám buồn, chỉ có vài quầng mây mỏng, ửng nắng.

       Như vòng xoay của tạo hoá, một năm có bốn mùa: Xuân, hạ, thu, đông. Một ngày có bốn buổi: Sáng, trưa, chiều, tối. Bà đang ở vào giai đoạn cuối của cuộc đời: Buổi tàn thu hay lúc chiều tà chạng vạng.

-         Bà ơi, tôi đi đây!
Tiếng ông từ trong nhà vọng ra. Bà nhỏm dậy định bước vào.  Ông như biết ý nói thêm:

-         Tôi thấy giỏ đồ ăn bà sắp sẵn đây rồi.  Cứ ở ngoài đó đi, tôi tự đóng cửa được mà.

-         Ờ, trời lạnh, khi cho chúng nó ăn ông nhớ bỏ vào “microwave” hâm nóng. Mỗi hộp chỉ cần bốn mươi giây là đủ ấm, vừa ăn đó nha!

-         Nhớ rồi, cứ ở đó đi, khi thấy lạnh bà phải nhớ vào nhà. Tôi đi!

        Chả là mỗi ngày, cỡ hai giờ chiều ông sang nhà con trai cũng ở gần, cách khoảng mười phút lái xe.  Đợi các cháu đi học về, ông trông cho chúng nó làm bài vở, cho chúng ăn uống rồi ông ngồi chơi cho có người lớn trong nhà.  Đợi đến khi bố mẹ chúng nó về thì ông từ giã. Hôm nào có giờ bơi lội hay học đàn, tập võ, ông chở luôn cả đám trẻ đi.  Và lúc ông sửa soạn ra đi thì bà luôn lăng xăng bên ông, tiễn ông ra tới ngoài đường mới quay vào đóng cửa nhà xe.

        Hồi còn ở nhà cũ bên tiểu bang Texas, khi đã về hưu ông vẫn có thói quen mỗi ngày phải lái xe ra khu chợ Việt Nam gặp mấy ông bạn già, chỉ để ngồi bên tách cà phê chuyện gẫu, hết chuyện nước non nhà lại đến chuyện nhân tình thế thái.  Hình như các ông không thể ngồi nhà cả ngày.  Hễ hôm nào biếng đi là y như rằng không nhức đầu cũng cảm mạo, ho hắng.  Bà chỉ thích quanh quẩn trong nhà, thu xếp dọn dẹp rồi ra cắt tiả ngoài vườn.  Bà chơi với vườn rau, vườn hoa của bà cả ngày không biết chán.  Thêm nữa bà có nhiều thú vui khác như sơn phết, trang hoàng nhà cửa, may vá, viết văn, đọc sách, nghe nhạc... Đôi khi bà thấy một ngày có hai mươi tư tiếng với bà không đủ.  Mặc dù vậy bà vẫn dành những phút thả hồn theo những cụm mây trắng lang thang, bềnh bồng phiêu lãng.

       Ông bà có hai người con, một gái một trai, xong trung học cả hai đều được nhận vào trường đại học Berkely, California. Khi ra trường cả hai đều gặp được người ý hợp tâm đầu, lại được công việc tốt nên lập nghiệp bên ấy.  Khi ông bà về hưu đã có hai thằng cháu ngoại, cậu con trai cũng lập gia đình rồi.  Cả hai đều có nhà riêng.

        Cuộc sống hưu trí của hai vợ chồng già êm ả trôi cho đến ngày nghe tin con trai sắp có con đầu lòng, bà bàn với ông:

-         Mình dọn nhà về ở gần các con được không ông?
Ông còn ngần ngừ:

-         Chúng nó có cần không mà về?  Nhà Cali đắt đỏ, sao mình mua nổi?  Đang ở bên này nhà cửa rộng rãi, thoải mái!

        Như có thần giao cách cảm, cô con gái điện thoại sang thủ thỉ với mẹ:

-         Mẹ ơi, bố mẹ sắp có cháu nội.  Bố mẹ thu xếp sang ở gần chúng con.  Bố mẹ ngày một già, có chuyện gì chúng con ở gần vẫn dễ hơn.  Bây giờ đứa nào gia đình cũng đùm đề.  Bố mẹ ở xa chúng con cũng khó thăm viếng.  Vả lại các cháu cũng cần nhờ ông bà trông nom, dậy dỗ.

         Khi các bà bạn nghe nói ông bà có ý định dọn về Cali, ở gần con để trông cháu, có bà đã nói:

-         Cẩn thận nghe bà, đừng mắc bẫy chúng nó.  Khi cần thì nói ngon nói ngọt.  Khi hết cần thì chúng sẽ có cả ngàn lý do để quét mình đi thẳng cánh.  Già rồi, hãy lo cho thân mình đi.

          Bà bạn già khác cũng nhắn nhủ:

-         Cô đừng tưởng không có mình trái đất sẽ ngừng quay. Không có cô mọi việc cũng sẽ đâu vào đấy.  Hồi chúng mình mới sang đây, có nội ngoại nào ở gần đâu, vậy mà chúng nó cũng nên người đó thôi. Việc chính là hai vợ chồng già phải lo cho nhau. Khi rảnh rỗi thì đi chơi chứ vướng cháu thì chả còn đi đâu được nữa.

-         Mẹ chồng nàng dâu là truyện truyền kiếp, từ xưa đến nay, từ Âu sang Á.  Bà hãy nghĩ cho kỹ trước khi quyết định.  Đừng để mắc vào cảnh dở khóc dở cười.  Nhất là đừng ở chung, phức tạp lắm.
-         ...........
         Những lời dặn dò cũng khiến bà nao núng.  Những kinh nghiệm và hoàn cảnh đau thương cuả những người quen mà bà chứng kiến cũng khiến bà ngại ngùng. Bà nhớ ngày xưa ấy, buổi tối trước ngày bà lên xe hoa, mẹ bà đã dặn dò con gái về nhà chồng phải nhớ chữ nhẫn nhịn và trong đời cứ đối xử tốt sẽ gặp hay.  Cứ ăn ở cho đầy đượm, hết lòng, cho phải đạo làm người Gieo nhân lành sẽ gặp quả tốt...

         Bà đã về nhà chồng với niềm tin phơi phới, với hành trang là trái tim đầy ắp yêu thương.  Tình thương bà sẵn sàng cho đi trước để mong được nhận lại. Nhưng thực tế đã khiến bà ngỡ ngàng, những đối xử khó khăn của mẹ chồng làm bà không hiểu nổi, chỉ biết im lặng chịu đựng.  Cuối cùng nhân lành của bà gieo cũng nhận được quả ngọt. Những năm tháng về sau hai mẹ con đã thông cảm nhau hơn, thương yêu nhau hơn, nhất là những ngày sau biến cố Tháng Tư năm bẩy lăm. Trong phút lâm chung cụ đã nắm tay bà mà nói: “ Bỏ qua nhé, bỏ qua hết nhé... Mẹ sẽ phù hộ cho các con, mẹ sẽ phù hộ cho các cháu...”.  Khi đi vượt biên, lúc nào bà cũng cảm thấy như có cụ ở kế bên. Nguy hiểm nào cũng như được cụ phù hộ để vượt qua.

         Bây giờ bà là mẹ chồng và có nàng dâu. Bà tâm niệm rằng sẽ yêu thương dâu, rể hết lòng để lịch sử không hay về mẹ chồng nàng dâu không tái diễn. Lịch sử phải sang trang!

        Cô con dâu phải sinh mổ nên đã chọn ngày.  Bà sắp sẵn công việc để sang Cali trước ngày sanh cháu.  Bà muốn là người đầu tiên ôm cháu nội vào lòng như trước kia bà đã vào phòng sanh với con gái và là người thân đầu tiên bế thằng cháu ngoại. Con bé thật xinh, đôi mắt tròn to, vầng trán cao thông minh.  Ôm con bé vào lòng mà bà sung sướng ngất ngây, niềm yêu thương dào dạt. Bà gửi hình cho ông và báo cho ông biết là bà sẽ ở lại chơi với cháu, trông nom mẹ con nó cho đến khi đầy tháng bà mới về. Ông biết là ông lại bị bà bỏ rơi như khi bà sang chăm lo cho thằng cháu ngoại.

        Một tháng nuôi gái đẻ bà đã lo lắng chu toàn như mẹ đẻ lo cho chính con gái ruột. Cô con dâu theo kiểu xưa nên kiêng rất kỹ.  Cô ở trên lầu, bếp ở nhà dưới, hàng ngày bà phải ba bữa sửa soạn cơm nước sắp vào khay bưng lên tận phòng. Bà nấu cơm nghệ, hầm chân giò với hạt sen, rim thịt thăn với nước mắm, hạt tiêu, thật khô cho bà đẻ.  Mỗi ngày bà lại nấu một nồi nước xông bỏ thêm vỏ bưởi, vỏ quít  để cô hơ mặt, lau mình.  Bà đã làm tất cả bằng sự thương yêu, tự nguyện. Con bé cháu thì bà vuốt ve, nắn bóp chân tay.  Ầu ơ ví dầu hát ru cháu, cả ngày bà thủ thỉ chuyện trò với con bé. Mỗi sáng bà bế nó sang giường bà phơi nắng.  Những vạt nắng vàng tươi, trong trẻo, xuyên qua cửa sổ ngay cạnh giường bà.  Nắng vuốt ve, ôm ấp cái lưng xinh xinh, bé xíu.

         Sau ngày đầy tháng con bé bà trở về Texas. Bà nhớ quắt quay ba đứa cháu nội, ngoại bên Cali.  Bà nài nỉ:

-         Ông ơi, mình dọn về Cali nhá!

-         Mình đang sống yên ổn bên này. Chúng mình mỗi ngày một già, bà liệu còn sức mà chạy theo mấy đứa nhỏ không?  Cố gắng rồi gục xuống, đau ốm lại khổ.

-         Đến đâu hay đến đó ông à.  Mình ở đây rảnh rang, chúng nó thì bận rộn.  Giúp cho chúng nó được lúc nào hay lúc ấy.  Ông lo gì xa quá.

Bà hạ giọng thuyết phục thêm:

-         Ông này, nhìn con bé tôi thương lắm.  Hay là mình về trông cháu vài năm. Khi con bé biết nói thì thôi.  Nghĩ đến việc mướn người hay gửi người ta trông tôi ngại lắm ông ạ. Nhỡ nó bị hành hạ... Nó đã biết nói đâu mà mách. Ông xem trên truyền hình hay trên mạng đi.  Bây giờ có nhiều kẻ bịnh hoạn, nhiều người độc ác lắm đó ông ơi...  Về nhá...!

         Ông nghe cũng hơi xiêu lòng:

-         Để tôi nói chuyện với chúng nó xem sao.  Bà sửa soạn đặt vé máy bay đi. Bà với tôi cùng về Cali một chuyến. Tôi cũng muốn sang thăm mấy đứa cháu.  Đi về rồi mới tính được.

         Nghe nói bố mẹ sang chơi thăm thú tình hình để xem có thể dọn về không, hai người con đều dọn dẹp một phòng riêng tươm tất ở mỗi nhà để tuỳ bố mẹ thích ở nhà nào cũng được vì hai nhà cũng gần nhau.

         Gặp mặt ba đứa trẻ ông như bị hớp hồn. Thằng cu Bi, cháu ngoại lớn, mới ngày nào đến thăm ông, nó mới biết đi lẫm chẫm mà mỗi buổi chiều khi nghe chuông cửa đã biết ông đi làm về để lủn tủn như con chó con vẫy đuôi chào rồi cất mũ, cất giầy cho ông, bây giờ đã học lớp hai tiểu học. Thằng cu Tý, em nó, khi mới đẻ nằm trong nôi cứ toét miệng cười đã sắp vào mẫu giáo. Con mé MiMi  trắng trẻo, bụ bẫm, đôi mắt tròn xoe đã biết nhìn ông hóng chuyện.  Ông bà ở chơi một tuần với con cháu, đi thăm khắp vùng xung quanh.  Hai thằng cháu ngoại đưa ông bà đến thăm ngôi trường chỉ cách nhà hơn một block.  Khung cảnh quanh đó cũng êm ả, thanh bình. 

          Nhà hai con ông chỉ cách nhau vài khúc rẽ. Đi bộ thì mất độ nưả giờ mà lên xe thì không đến mười phút. Cả hai nhà đều tươm tất, sạch sẽ; vườn trước, vườn sau rộng rãi, khang trang.  Đi xem giá nhà thì quá đắt so với bên chỗ ông. Bằng căn nhà ông đang ở thì bên này giá gấp bốn hoặc năm lần. Nếu dọn về thì đó thật là vấn đề nan giải.

         Những cặp mắt đen láy của các cháu ngước nhìn ông, những câu nói ngây thơ hồn nhiên, những tràng cười khanh khách, giòn tan của hai thằng nhỏ quyến rũ ông, khiến ông bà quyết định về gần chúng nó.

         Những năm đầu thật hạnh phúc, đúng như ao ước của bà, nhà có già có trẻ, vui vẻ, ấm cúng. Thoạt đầu ông bà ở nhà con trai vì bé Mimi nhỏ nhất.  Bà trông nom con bé, nấu ăn cho cả hai nhà.  Mỗi buổi sáng ông xách giỏ đồ ăn bà nấu sẵn sang nhà con gái, trông nom dậy dỗ hai thằng cháu ngoại.  Được một năm cô con thèm một đứa con gái nên ráng sanh thêm, nhưng lại ra thằng con trai nữa. Thằng bé tuổi chó nên ông gọi là con chó Lu.  Ông bà lại dọn sang nhà bé Lu vì bé nhỏ nhất. Bé Mimi lớn hơn nên mỗi buổi sáng bố nó phải đưa sang nhà bác trước khi đi làm.  Buổi chiều mẹ nó đến đón, tiện xách cơm về luôn.  Ông bà quên hết các thú vui khác, suốt ngày chạy theo các cháu.

         Ông bà như trái banh bị đá qua đá lại giữa hai nhà vì năm sau cô con dâu cũng lại sanh thêm đứa nữa.
Thấm thoắt ông bà về Cali đã hơn mười năm, cu Bi sắp vào đại học.  Nếu ở Việt Nam thì Mimi sắp là nữ sinh Trưng Vương.  Thời gian qua thật nhanh, ông bà cũng già yếu đi nhiều.  Các cháu đã lớn không cần sự săn sóc nhiều nữa, cu út cũng lên bẩy, đã đến trường.  May mắn gặp được căn nhà nhỏ vừa túi tiền, vừa với nhu cầu nên ông bà đã ra ở riêng.  Sống với con cái cũng có những đụng chạm, bà coi như đó chỉ là những chuyện nhỏ, những suy nghĩ khác nhau cuả hai thế hệ, cung cách sống, quan niệm về đời sống khác nhau giữa già và trẻ để giữ cho mình được cái tâm thanh thản. Mình không biết trước được những gì xẩy ra nhưng được an lạc hay không là do tâm mình.

         Bây giờ bà đã chính thức về hưu chỉ còn ông vẫn “đi làm” ngày vài tiếng, để ông khuây khoả, khỏi phải lái xe đi tìm bạn già chuyện gẫu.  Bà cũng có một khoảng thời gian riêng, không gian riêng của mình bà. Bà lại ngước mắt tìm mây, những cụm mây trắng nhẹ như bông lang thang trong bầu trời, ở đó bà đã gửi gấm những mộng mơ, lãng mạn của thời niên thiếu. Bà cũng đi tìm mây để hỏi khi vướng phải những trắc trở, chông gai.  Bà đã biết chấp nhận những đau khổ, đã tìm ra những khiá cạnh lạc quan của sự việc và cho rằng đó chỉ là những thử thách nên mọi chuyện cũng thoáng qua, nhẹ bay đi như những làn mây trắng.

        Thu tàn trời sẽ sang đông.  Mỗi muà đều có những vẻ đẹp riêng. Hết muà đông cây cối sẽ đâm chồi nẩy lộc.  Xuân về với những chùm Wisteria tím rung rinh trong nắng.  Muôn hoa sẽ khoe sắc, toả hương.  Buổi sáng ông bà sẽ cùng đi bộ trên những con đường có hai rặng anh đào hồng thắm, những rặng Dogwood trắng muốt tinh khôi.  

         Mây trắng trên cao vẫn lờ lững theo bà. Chim chóc ríu ríu hát ca.  Cảnh thiên nhiên khiến bà ngất ngây.  Bà muốn ôm hết vũ trụ này, lòng bà ngập tràn hạnh phúc.

Đỗ Dung


💚❤️💙💛


                                 BÀI  TÌNH CA  MÙA THU
                                                      VI VÂN   

     Cơn gió đêm lành lạnh len vào phòng làm tôi chợt thức giấc. Tôi bước đến bên song cửa nhìn ra, ngoài kia vầng trăng đã lên giữa đỉnh trời, trăng tỏa ánh sáng bàng bạc, huyền ảo, mông lung, âm vang vài chiếc lá khô rơi nhè nhẹ bên hiên, thoang thoảng đâu đây một chút hương thơm hoa cúc… tôi biết rằng trời đã vào Thu. Mùa Thu thường được các văn nhân, thi sĩ, nhạc sĩ chọn để gửi gấm, chia xẻ tâm tư của mình. Những hơi thở, những nhịp tim, những hoang tưởng xôn xao trông ngóng một tình yêu sương khói đam mê, những bâng khuâng mơ ước, những khắc khoải đợi chờ… Và cơn gió Thu đêm nay chợt khơi dậy trong tôi một niềm u ẩn, một nỗi nhớ nhung da diết cho cuộc tình buồn dù ngày ấy đã xa xôi… 
             *   * *
     Vừa bước vào lớp tôi thấy hơi khác hơn mọi ngày. Khác gì đây chứ? Phải rồi chỗ ngồi của Thanh Thủy đã bị một gã con trai lạ chiếm mất. Tôi quay sang hỏi Phương Thảo:
- Thủy đâu rồi Thảo? Sao mầy không giành chỗ cho nó?
Thảo nhỏ giọng:
-  Hôm qua Thủy nói với tao nó sẽ nghỉ học hôm nay vì nhà nó có đám giỗ. Thôi cho anh chàng kia mượn tạm chỗ nó vậy.
Tôi đưa mắt tò mò nhìn gã con trai, anh chàng có vẻ lớn tuổi hơn chúng tôi những đứa sinh viên mới vào học năm thứ nhất. Anh ta mặc áo sơ mi sọc màu xanh nên nước da không được hồng hào lắm, đôi mắt như biết cười, gương mặt có chút khắc khổ nhưng dáng dấp mang nét hiên ngang ngạo nghễ dễ thu hút lòng người. Có lẽ anh ta đã nghe tôi và Thảo nói chuyện nên quay sang gật đầu:
- Xin chào hai cô. Tôi ngồi đây có phiền gì hai cô không?
Thảo nhanh miệng:
- - Không sao đâu anh. Lớp học mà có gì là phiền với không phiền. Có điều ba đứa tôi là bạn thân nên hay giành chỗ ngồi gần nhau cho vui thôi, hôm nay một đứa nghỉ nên anh ngồi đó cũng được.
Anh mỉm cười thân thiện:
- Cám ơn hai cô. Tên tôi là Trung Đoàn còn hai cô là…
- Thảo trả lời ngay:
- Tôi là Phương Thảo, nó là Vân Anh. À, tên của anh nghe hay quá, tôi như thấy cả một lực lượng quân đội hùng hậu.
- Tôi lắc đầu cằn nhằn:
- Cái con khỉ nầy thiệt là…Chưa chi mà đã khai tên họ ra hết rồi.
Thảo nheo mắt nhìn tôi, nói nhỏ:
- Có sao đâu, bạn mới mà. Trông anh ta cũng… được đấy chứ!
     - Câu chuyện của chúng tôi kết thúc vì thầy Nguyễn Văn Lành  đang bước vào lớp, thầy vừa là Khoa Trưởng vừa phụ trách hai môn Dân Luật và Quốc Tế Công Pháp cho lớp tôi. Hôm nay là giờ Dân Luật thầy giảng bài “Chế Độ Mẫu Hệ”.
    Giờ học diễn ra bình thường như mọi ngày, tôi liếc nhìn sang Đoàn anh có vẻ chăm chú và ghi chép lời thầy giảng một cách kỹ lưỡng, tôi thầm nghĩ: sao mà siêng dữ vậy, bài nầy có gì khó  đâu mà lo quá, không ngờ anh nầy là “dân gạo” đây.
    Suốt một tuần Đoàn đều ngồi gần và thường trò chuyện hoặc trao đổi ý kiến về bài vở với chúng tôi, tự nhiên anh trở thành người thứ tư trong nhóm, anh đã thành bạn của chúng tôi thật nhanh qua sự chân thành, nhiệt tình, dễ mến. Có những lúc xe chúng tôi bị hư anh sửa lại giùm hoặc đưa một người trong nhóm chúng tôi về nhà bằng chiếc Vespa (anh nói là xe mượn của người anh họ) của anh. Qua tuần lễ thứ ba chúng tôi thật sự thân thiện hơn nhất là tôi và anh,vì tôi không biết chạy xe nên thường đi cùng Phương Thảo. Những hôm Thảo đi với“kép”thì tôi phải đi xe Lambretta (xe chở khách lấy tiền) với các bạn khác, những lúc đó Đoàn hay tình nguyện chở tôi về.
    Cho đến một ngày kia, trên đường đưa tôi về nhà Đoàn mời tôi ghé vào một quán nước và kể từ ngày đó tôi càng mến Đoàn nhiều hơn khi biết thêm về gia cảnh của anh. Gia đình Đoàn ở Sàigòn mồ côi cha chỉ còn mẹ già, hai em trai và một em gái. Đoàn tốt nghiệp Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã được ba năm  hiện nay đang phục vụ tại Sư Đoàn 21 Bộ Binh đóng ở Bạc Liêu, vì bị thương nên được đưa về Quân Y Viện Phan Thanh Giản Cần Thơ điều trị. Anh đã bình phục nhưng sức khỏe còn yếu chưa thể ra hành quân lặn lội được nên cấp chỉ huy cho anh nghỉ thêm một tháng, nhờ vậy mấy tuần nay anh mới đến trường được. Anh nói với tôi:
- Vân Anh biết không, tôi là một quân nhân nên chỉ ghi tên lấy course học hàm thụ thôi, học để mở mang thêm kiến thức chớ không mong lấy được bằng cấp đâu. Nhờ có chút thì giờ rảnh rổi nên đến lớp và được quen với các cô tôi rất vui. Nhưng đã đến lúc phải từ biệt rồi vì tuần tới tôi sẽ trở về đơn vị, tiếp tục lao mình vào lửa đạn không biết có dịp nào còn gặp lại nhau không, nhất là Vân Anh vì tôi rất mến cô, và tôi thương nhất là màu áo tím mà Vân Anh thường mặc.
Tôi thật sự xúc động khi nghe anh kể về cuộc đời mình, cuộc đời một sinh viên phải xếp bút nghiên theo nghiệp kiếm cung, dâng cả đời trai cho sông núi. Anh đã đem cả tuổi thanh xuân miệt mài cùng đạn bom khói súng, anh không sống cho chính bản thân anh mà sống vì quê hương dân tộc. 
    Tự nhiên tôi nghe chua xót, thương cảm và kính phục làm sao người bạn mới quen nầy, tôi nói:
- Chúng tôi ở thành phố mỗi ngày được ngồi trong lớp học vui vẻ đùa giỡn hồn nhiên, đâu ngờ các anh ngoài sa trường gian lao nguy hiểm như thế. Các anh chịu quá nhiều thiệt thòi, bất hạnh.
     Đoàn nhìn tôi bằng ánh mắt chân thành:
- Vân Anh à, tôi lớn hơn Vân Anh nhiều chúng ta có thể đổi cách xưng hô được không? Tôi là anh còn Vân Anh là em nhé! Anh 25 tuổi còn em mới 19 tuổi thôi, đừng xưng bằng  “tôi” với anh nữa.
T Tôi đã xiêu lòng nên gật đầu:
- Dạ, cũng được, nhưng có ai khai đâu mà anh biết tuổi của Vân Anh?
    - Đoàn cười, lần đầu tiên tôi thấy nụ cười của anh rất tươi và hóm hỉnh:
- Điều tra cả tuần mới biết đó cô em.
- A, cái anh nầy coi lù khù mà gian trá quá.
    Đoàn càng cười lớn:
- Đừng lầm em ơi, lính mà, có tên nào hiền đâu nhất là với con gái. 
    Chúng tôi bắt đầu có một cảm tình tốt đẹp hơn sau ngày hôm ấy. Suốt tuần lễ kế đó ngày nào Đoàn cũng đòi chở tôi về thay cho Phương Thảo. Đâu có gì qua mắt được đám bạn ma ranh của tôi nên họ càng gán ép, xô đẩy tôi đến gần Đoàn hơn. Rồi đến ngày Đoàn sắp sửa trở về đơn vị tôi chợt nghe lòng buồn rưng rức, xót xa như sắp đánh mất một cái gì quý báu nhất…
    Buổi chiều hôm chia tay, Đoàn đưa tôi đến một quán nước  bên bờ sông.Con sông Cần Thơ chạy dài mênh mông ngút ngàn, thấp thoáng vài cánh buồm trôi nổi ngoài khơi, gió lồng lộng thổi vào thành phố tạo một cảm giác êm đềm, thanh thản, bình yên.
    Đoàn đưa mắt nhìn ra ngoài xa:
- Phong cảnh ở đây đẹp quá. Anh là người Sàigòn, từ nhỏ chỉ quen nhìn ngắm con sông với ghe thuyền tấp nập, với những con tàu lớn hét gầm nhả khó mịt mù. Những lúc hành quân cũng đã từng lặn lội qua suối qua sông nhưng chưa từng thấy con sông nào đẹp như sông Cần Thơ vậy.  
     Tôi cười:
- Anh đã quá thiên vị rồi đó. Em nghe người ta nói sông Hương sông Hồng mới đẹp, có phải vì em ngồi đây nên anh thấy sông Cần Thơ đẹp không?
     Đoàn vẫn cương quyết:
 -  - Không, mỗi dòng sông đều có đặc điểm riêng, anh thấy dòng sông nầy rất nên thơ, rất lãng mạn. À, sao nó có tên là Cần Thơ vậy em?
-  - Tương truyền rằng ngày xưa khi Định Vương Nguyễn Phúc Thuần cùng cháu là Nguyễn Ánh bôn tẩu trên vùng đất nầy, lúc Nguyễn Ánh đi thuyền ngang qua dòng sông Hậu bỗng nghe tiếng ngâm thơ, đờn địch, hò hát hoà nhau rất nhịp nhàng từ xa vọng lại giữa đêm trường thanh vắng. Ông chạnh lòng nhớ đến bước đường lưu lạc, bơ vơ nơi quê người xứ lạ nên ban cho dòng sông nầy tên là “Cầm Thi Giang”, Thi cũng là Thơ có lẽ vì vậy mà sau nầy người ta nói trại chữ Cầm Thi, Cầm Thơ thành ra là  Cần Thơ .* 
Đoàn cười, vỗ nhẹ lên tay tôi:
 - À ra là thế, sông Cần Thơ cũng có lịch sử hay hay nhỉ?
- Thôi anh, giờ nói chuyện mình đi. Mai anh đi rồi biết bao giờ mình gặp lại? Sao em buồn quá, em có linh cảm sẽ không còn gặp lại anh nữa. Những ngày chúng ta quen nhau quá ngắn ngủi, bây giờ em mới cảm nhận được nỗi buồn của những kẻ có người yêu là lính trận.
     - Đoàn nheo mắt mỉm cười:
- Rồi đấy nhé, em đã xác nhận là người yêu của anh rồi đó nghe, không được chối cải nữa.
    Tôi xấu hổ:
- Cái anh nầy, ai nói thế? Là bạn cũng buồn được chớ bộ.
     Đoàn nhìn tôi một lúc lâu rồi chợt nắm lấy tay tôi:
- Vân Anh à, anh… yêu em. Anh biết anh nói ra điều nầy hơi vội vã nhưng lính không có nhiều thời gian em ạ! Ngày mai anh phải trở về đơn vị, đời lính sương nắng dãi dầu nay tiền đồn mai biên giới, bao hiểm nguy chờ chực, cô đơn và buồn bã lắm em biết không? Anh mong có một bóng hình mang theo để được ấm lòng trong những đêm rừng sâu cô tịch. Anh biết em cũng có cảm tình với anh, mong em đừng từ chối mà chấp nhận tình yêu của anh, được không em?
     - Đoàn nói liên miên bất tận, tôi chỉ mở to mắt nhìn anh không biết phải trả lời sao. Cả tháng trời nay tôi đã đi về cùng anh bao nhiêu lần, cảm tình đã nẩy nở trong hai tâm hồn nhưng chưa có dịp thố lộ. Nay thì chính anh đã nói ra thì tôi còn từ chối được sao trước sự chân thành của anh, nhưng tôi chỉ cúi đầu im lặng. Đoàn nâng mặt tôi lên và nhẹ nhàng đặt lên môi tôi một nụ hôn ngọt ngào tha thiết. Tim tôi dường như nghẹt thở, mặt tôi nóng bừng lên, tôi bàng hoàng run rẩy trong vòng tay anh nhưng tôi sung sướng và cảm nhận được rằng nơi đây chính là điểm tựa vững chắc nhất cho đời mình.
    Thế là chúng tôi bỗng nhiên trở thành đôi tình nhân mà không cần phải nói ra những lời yêu đương thề ước.
      Buổi chiều xuống thật chậm, êm đềm như dòng sông Hậu hiền hoà chảy xuôi về mấy ngã. Tiếng sóng vỗ nhẹ mạn thuyền nghe như tiếng những giọt mưa rơi trên ngàn lá, rầm rì, lao xao, vỡ vụn. Vạt nắng chiều bao phủ cả dòng sông, lung linh, chập chờn, diễm ảo…Nghĩ đến ngày mai Đoàn ra đi tôi chợt muốn khóc. Tại sao thế nầy? Mới bắt đầu cuộc tình đã nghe luyến lưu trĩu nặng, đã nghe ngập đắng sầu thương. Rồi mai đây anh đi biền biệt phương trời nào tôi làm sao sống qua những ngày tháng dài nhung nhớ?
    Tiếng hát của Túy Hồng từ chiếc máy thu thanh của quán nước nghe lê thê, buốt giá, não nùng. Tiếng hát như bay trên ngàn lá, bồng bềnh trên mây và chạy dài lênh đênh trên mặt sông chiều:
“Mùa Thu thưa nắng gió mang niềm nhớ. Trời chiều man mác buồn nát con tim, lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên, kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy…”
    Tôi xúc động cất tiếng hát theo nho nhỏ:
“Người đi hoa lá chết trong buồn nhớ. Người về lặng lẽ tình  vẫn bơ vơ. Thà rằng chôn kín mộng ước xa nhau, quên đi cho hết một kiếp thương đau…”
    Đoàn chăm chú nhìn tôi cho tới lúc chấm dứt bài hát, Đoàn choàng tay ôm vai tôi và nói:
- Không ngờ em hát hay quá. Bài ca hay, giọng hát buồn nức nở, anh sẽ nhớ mãi bài ca nầy, đây là bài ca  kỷ niệm của chúng mình, anh sẽ không bao giờ quên.
- Có thật không anh? Bài ca kỷ niệm của chúng mình sao?
- Thật chứ, sau nầy dù đi đến đâu khi nghe bài ca nầy anh sẽ nhớ đến em.
  Đoàn như sực nhớ ra:
- Vân Anh à, anh có người anh họ đang làm việc cho Bộ Tư Lệnh Hải Quân vùng 4, tên anh ấy là Ngọc Điệp, anh đã nói cho anh ấy biết về em rồi. Anh Điệp sẽ tìm gặp mặt em sau, để có tin tức gì liên lạc nhau cho tiện. Em ráng chờ anh nghe Vân Anh, mai này khi có dịp anh sẽ thưa chuyện mình với mẹ anh.
-  Có quá sớm không anh? Em còn đi học, còn nhỏ mà.
-  Em không muốn chúng mình đi xa hơn nữa sao?
-  Không phải vậy, nhưng em muốn khi học xong có nghề nghiệp vững chắc rồi mới nghĩ đến chuyện lập gia đình. Thôi từ từ tính sau nghe anh.
 Đoàn có vẻ buồn:
- Anh cũng biết đời lính ngoài sa trường ít may nhiều rủi, anh không nên nghĩ đến hôn nhân. Ngày mai anh đi nhưng biết có còn được trở về gặp em nữa không. Em còn nhớ mấy câu thơ bất hủ của Vương Hàn trong bài “ Lương Châu Từ” không?
“…Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu,
   Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.”
Tôi bỗng sợ hãi nắm chặt tay Đoàn:
- Không, không phải đâu, nhất định anh sẽ về, em chờ anh.
Đoàn nhìn tôi không nói lời nào. Chúng tôi ngồi im lặng bên nhau rất lâu, mỗi người đang theo đuổi ý tưởng riêng của mình.
     - Nắng tắt lâu rồi, màn đêm buông xuống, từng hồi còi của những chuyến tàu chở hàng hoá vừa về đến bến vang lên rộn rã nhưng tôi nghe như hồi còi báo hiệu giờ ly biệt của tôi và Đoàn.
     - Đoàn đứng lên nắm tay tôi:
- Thôi em, có lưu luyến bao nhiêu cũng phải chia tay. Anh  phải đưa em về để mai em còn đi học. Sáng mai anh đi sớm nên không đến gặp em được nhưng rất nhanh anh sẽ thư về cho em.
    Tôi bỗng gục đầu vào ngực Đoàn khóc nức nở. Đoàn ôm chặt lấy tôi, chúng tôi không nói một lời nào với nhau, chỉ có tiếng lòng xót xa rên rỉ.
     Đoàn đưa tôi về, thành phố đêm với đèn vàng nhạt nhòa hiu hắt, bước chân nào đưa tiễn đêm nay? Bước chân nào xa rời tình ấm?
    Đêm chợt bơ vơ, đêm lạc loài, đêm âm thầm rơi rớt giọt sầu, đêm cúi đầu gục khóc cho một cuộc tình xa.
     Đoàn đã trở về đơn vị rồi, tôi cô đơn và khép kín cõi lòng như loài sên ốc. Thảo, Thủy vẫn vô tư hồn nhiên chỉ riêng tôi bỗng trở thành chinh phụ luôn dõi mắt về xa chờ đợi, nhớ thương một người. Người ấy nay rừng sâu mai núi thẳm, dấu giày saut của chàng đã dẫm khắp cả vùng 4 chiến thuật: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Rạch Giá, Chương Thiện… Tôi thật sự lo lắng cho Đoàn nhưng cũng lấy làm hãnh diện vì anh là lính, người trai oai hùng của thế hệ, người con yêu của tổ quốc non sông.Từng đêm nhìn những đóm hỏa châu bùng lên trên bầu trời cao, nghe tiếng súng vọng về từ xa xa…tôi hằng cầu nguyện cho anh được an lành nơi trận tuyến.
    Những lá thư đầy thương yêu nhung nhớ của Đoàn khiến tôi ấm áp cõi lòng, tôi an tâm học hành và chờ đợi. Nhưng chuyện đời lúc nào cũng có những phiền toái trái ngang, đó là chuyện của Vinh.  Vinh là bạn của anh tôi nên tôi đối xử với anh ta thân thiện từ nhiều năm qua .Không ngờ anh thầm yêu tôi và đã ngõ lời với mẹ và anh tôi xin cưới tôi khi tôi được 20 tuổi. Ngày sinh nhật 20 tuổi của tôi trước mặt mọi người anh đã nhắc lại điều đó với mẹ mà không hỏi qua ý kiến của tôi. Tôi quá giận, uất ức đã khóc rất nhiều.
Vinh nói với tôi bằng giọng hờn trách:
- Vân Anh làm anh thất vọng quá. Em đã biết anh yêu và chờ đợi em bao nhiêu năm rồi mà.
- Nhưng em đâu có yêu anh, em chỉ xem anh như anh trai của mình thôi. Tình anh em và tình yêu khác nhau chứ anh.
  Mẹ tôi bảo mẹ không có hứa hẹn gì cả, đó là ý của Vinh, mẹ còn bảo:
- Chuyện hôn nhân của con mẹ cho con quyết định, tuy nhiên nếu con chưa có thương ai thì Vinh là người tốt, rất xứng đáng là chồng con.
    Tôi thú thật với mẹ về tình yêu của tôi và Đoàn:
- Anh ấy nói kỳ phép tới sẽ ghé xin phép mẹ để đưa mẹ anh ấy xuống xin hỏi cưới con, con chưa tiện nói với mẹ. Hôm nay anh Vinh lên tiếng như thế nên con phải nói thật thôi.
Mẹ nhìn tôi đăm đăm:
- Con đã biết gì về gia cảnh người ta chưa mà tin tưởng như vậy? Chỉ quen biết có một tháng trong lớp học mà đã yêu thương và chờ đợi. Với Vinh thì khác, hai gia đình quen biết từ lâu, Vinh rất thương con lại là Kỹ Sư, chữ thọ rất vững không như lính tráng đâu con, lấy nó con sẽ hạnh phúc.
 - Nếu không có tình yêu thì làm sao có hạnh phúc hở mẹ? 
- Vậy thì…để cậu ấy đưa người nhà đến đây xem sao. Mẹ lo cho con quá!
     Nói xong mẹ tôi thở dài rồi quay đi.
    Tôi lo lắng nên viết thư ngay cho Đoàn. Hai tuần lễ sau tôi nhận được thư hồi âm của anh:
“… Cô bé yên tâm, kỳ tới anh về phép sẽ đưa mẹ anh xuống gặp mẹ em.Tiểu Đoàn anh chắc phải đi hành quân xa một thời gian, khi về anh sẽ xúc tiến chuyện hôn nhân của mình, đừng buồn, đừng lo lắng em nhé! Chúng ta sẽ được danh chánh ngôn thuận đến với nhau. Bé ơi, những lúc nhàn rỗi hay những lúc nhớ về em anh thường nghĩ đến bài “Thu Sầu” của Lam Phương mà em đã hát cho anh nghe. Bài hát đó đã đi vào tim vào máu anh rồi. Nghe đến bài đó anh thấy hình ảnh em hiện ra trước mắt rất dễ thương, rất thân thiết, anh thấy được ánh mắt của em, nụ cười của em. Vân Anh ơi, anh nhớ em quá, ước gì được bay về bên em giây phút rồi tiếp tục lăn mình vào trận chiến anh cũng cam tâm…”
    Lá thư của Đoàn đến với tôi như một món quà rất quý giá, tôi hân hoan chờ đợi ngày đẹp đẽ đó đến. Nhưng một tháng, rồi hai tháng chẳng thấy thư từ hay bóng dáng của anh đâu cả, tôi nôn nóng, hồi hộp, lo âu. Đoàn đã lỗi hẹn, đã quên tôi vì có người yêu khác hay chuyện gì đã xảy ra cho anh? Bao nhiêu câu hỏi cứ nhảy múa trong đầu óc tôi, tôi biếng học, tôi quên ăn, tôi mất ngủ. Đoàn ơi, chuyện gì đã xảy ra? Tại sao? Vì sao?
    Một buổi trưa, anh Điệp đến tìm gặp tôi ở cổng trường. Anh báo cho tôi biết đã được tin Đoàn tử trận trong chuyến hành quân sang Campuchia và không tìm được xác. Tôi lảo đảo gần té xỉu trên cánh tay anh Điệp.Trời ơi, sao lại có chuyện thế nầy? Anh đã hứa hẹn những gì sao giờ quên hết? Tôi đớn đau tuyệt vọng, còn gì những ước mơ, đời sẽ buồn biết bao nhiêu khi tình yêu tan vỡ! Tôi hỏi anh Điệp:
- Sao anh biết được tin nầy? Có chắc chắn không? Tại sao không tìm thấy xác? Tại sao phải hành quân qua tận bên Campuchia hả anh?
- Đơn vị của Đoàn báo tin về cho gia đình Đoàn ở Sàigòn, gia đình Đoàn cho anh hay tin đó. Còn việc tại sao phải hành quân sang tận Campuchia là vấn đề quân sự do quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu mình làm sao biết được. Chuyện không tìm được xác ở chiến trường cũng không phải là điều mới lạ. Thôi em hãy cố nén đau buồn và cầu nguyện cho kẻ ra đi.
       Ôi! Anh đã ra đi thật sự rồi sao? Trước cái chết đau thương không rõ rệt của em mình mà anh Điệp không có vẻ đớn đau nhiều lắm. Có phải những người lính đã quá  quen với những tin tức nầy chăng? Riêng tôi, tôi hụt hẫng, chới với, nghe cay xé trong tim, tan nát cõi lòng, một màu tang tóc u buồn giăng kín đời tôi. Đã kết thúc rồi sao? Một mối tình với ba mươi ngày gần gủi, với một một năm dài nhớ nhung chờ đợi, ước mơ xây đắp tương lai…Tất cả đã hết rồi, đã trôi theo mây gió. Đoàn ơi! Đã một năm rồi đó anh, mùa Thu năm trước mình quen nhau, mùa Thu nầy mình xa nhau vĩnh viễn.
    Sau tin Đoàn tử trận, tôi sống u buồn như một sương phụ cô đơn. Tôi đã đánh mất tuổi học trò hồn nhiên bên sách vở và đếm từng ngày tháng lặng lẽ trôi qua. Vinh vẫn đeo đuổi, vẫn chờ tôi dù anh biết lòng tôi đang để tang cho một mối tình đã chết. Mẹ tôi cứ hối thúc tôi nhận lời làm vợ của Vinh, tôi đành thối thác hẹn ba năm sau. Mẹ có vẻ giận lắm:
- Cái gì, con định để tang cho cậu ta ba năm hay sao? Quen nhau có một tháng mà đòi để tang ba năm. Thôi được rồi mẹ quyết định cho con một năm, mẹ không chiều ý con được nữa. Mẹ sẽ nói Vinh chờ con, lần nầy con không được cải mẹ.
      Rồi cái ngày định mệnh của đời tôi đã đến. Cũng vào một ngày đầu Thu với nhiều lá rơi buồn bã, một ngày vĩnh biệt cuộc tình xưa. Chuông giáo đường vang vang từng hồi rộn rã trong Thánh Lễ tân hôn, đưa người con gái xa vùng kỷ niệm, về một bến bờ xa lạ. Đầu óc tôi trống rỗng, tâm hồn lơ lửng không biết mình đang làm gì, đang nghĩ gì và đời mình sẽ về đâu?
    Vinh dìu tôi rời khỏi cổng nhà thờ và chuẩn bị đưa tôi lên chiếc xe hoa đang chờ sẵn. Tôi chợt nhìn sang phía bên kia đường, có đôi mắt đang nhìn tôi chăm chú, người đó đang chống đôi nạng gỗ và khe khẻ gật đầu chào tôi. Tôi giật bắn người, tôi bàng hoàng, sững sốt, người đó chính là Đoàn, anh còn sống, anh đã trở về, về ngay trong lúc nầy, vừa đúng lúc tôi sắp sửa bước lên xe hoa.
    Không kềm hãm được lòng mình tôi chạy nhanh qua đường vì sợ Đoàn bỏ đi mất và kêu lớn:
- Anh Đoàn ơi! Chờ em với.
    Vinh cũng chạy theo kéo mạnh tay tôi hằn hộc:
- Cô làm cái trò gì thế? Muốn theo tình nhân cũ à?
    Tôi giật mình nhớ đến hoàn cảnh hiện tại của mình, trời ơi, tôi phải làm sao đây? Đoàn còn sống và đã tàn phế, có lẽ vì vậy mà anh cố tạo ra tin đã chết để tôi quên anh đi. Còn Vinh, tôi sững sờ trước sự thay đổi đáng sợ của anh ta, anh đã tỏ ra ích kỷ, thô bạo, hẹp hòi khác hẳn trước đây khi còn theo đuổi tôi. Như thế thì liệu tôi có thể sống chung suốt đời với người đàn ông nầy không???
    Bên kia đường Đoàn đang trố mắt nhìn tôi, anh đã nhìn thấy hành động của Vinh đối với tôi, anh lắc đầu, vẻ đau đớn hiện lên nét mặt.Tôi qụy xuống cúi đầu khóc nức nở. Vinh lôi xệch tôi lên xe, đóng mạnh cửa. Sự việc diễn ra trước mắt mọi người như một cảnh trong ciné, ai cũng bàng hoàng kinh ngạc. Mẹ tôi chỉ còn biết kêu trời đất và mắng nhiếc tôi cho vừa lòng Vinh.
    Về đến nhà chồng, tôi mệt lã nằm liệt trên giường không màng gì đến khách khứa của Vinh. Tôi thương Đoàn từ nay sẽ một mình một bóng. Tại sao anh có quan niêm sai lầm về tình yêu như vậy? Sao anh chọn sự hy sinh không có kết quả đẹp cho cả hai? Anh nghĩ rằng em sẽ từ chối anh vì anh bị tàn phế sao?  Anh nghĩ rằng em sẽ được hạnh phúc bên Vinh sao? Không đâu, anh đã thấy rõ con người thật của anh ấy rồi đó. Em làm sao sống được với người chồng ghen tương ích kỷ đó hở anh? Anh ấy sẽ hành hạ, đay nghiến em đến chết thôi. Âu cũng là số phận, lưu luyến gì nữa đây? Cuộc đời em coi như đã hết.
    Giờ đây chúng ta không có quyền gặp nhau, kể cho nhau nghe bao nỗi nhớ niềm thương thì ta sẽ tìm nhau trong giấc mơ anh nhé! Em mơ ước được anh đưa về lại căn quán nhỏ ngày xưa bên bờ sông Hậu, để em hát cho anh nghe bài tình ca mùa Thu, để em được nhìn thấy anh cười, để nghe anh kể về đời lính phong sương. Và khi màn đêm buông xuống anh sẽ đưa em về qua con phố nhỏ hắt hiu đèn vàng soi bóng hai đứa bên nhau. Chúng ta sẽ được gần nhau mỗi đêm, không còn nhớ nhung dằn vặt… Đoàn ơi, em không thể nào chịu đựng được một người chồng thô bạo như Vinh đâu. Em đã chọn cho mình một lối đi, em không hối hận.
    Tôi có bịnh hay nhức đầu nên trong túi xách của tôi lúc nào cũng có một lọ Optalidon.Thừa lúc Vinh bận rộn với khách khứa ở nhà trước tôi âm thầm uống hết lọ thuốc.Tôi cảm thấy hồn lâng lâng như rơi vào một khoảng trống mù sương, có tiếng lá  rơi lả tả, có tiếng nhạc đâu đây, lời của một khúc tình ca buồn vạn thuở. Rồi tôi nghe đầu óc đớn đau tê buốt và tôi mê man chìm vào giấc ngủ. 
    Nhưng rồi định mệnh nghiệt ngã đã không cho tôi tròn ước nguyện.Tôi đã được cứu sống và nhận lấy sự trừng phạt từ Vinh, Vinh đã bỏ tôi ngay sau đó và tôi cũng bỏ xứ ra đi để tránh nhục nhã cho mẹ tôi.
     Suốt bao năm trời tôi cố công tìm kiếm Đoàn nhưng anh vẫn mịt mù bóng chim, tăm cá.Tôi đã sống cô đơn gần hết quãng đời son trẻ, và cứ mỗi lần nghe ai đó hát bài tình ca kỷ niệm tôi nghe lòng nhói đau quặn thắt. Đoàn ơi, bài ca cũ còn đây, người yêu anh còn đó mà anh đã về một phương nào?
    Một cơn gió thoảng qua, ngoài trời sương đã rơi nhiều, tôi vẫn ngồi đây ngậm ngùi trong đêm vắng để nghe niềm đau chợt về trăn trở, để nhớ để thương một hình bóng đã mù xa. Tôi nghe từ trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn như còn vang vọng lại  tình khúc Thu buồn của ngày xa xưa ấy:
“ Mùa Thu thưa nắng gió mang niềm nhớ. Trời chiều man mác buồn nát con tim, lệ tình đẫm ướt tà áo trinh nguyên. Kỷ niệm êm đềm còn in trên giấy...
 Người từ ngàn dặm về mang nỗi sầu. Nhịp cầu ô thước hẹn đến mai sau…”
     Tôi cúi mặt nghẹn ngào đưa chiếc khăn tay lau nước mắt. Ngoài kia vầng trăng vẫn lơ lửng treo giữa trời buồn.
       Vi Vân.
*theo tài liệu của Người Long Hồ


                            
💚💝💜💛💝💙💚❤️💛💝💜💝💙💚💛💝💜💝

CÁM ƠN CÁC BẠN ĐÃ GHÉ XEM




VĂN THƠ và VĂN BÚT - ĐÓN NHÀ VĂN HỒNG THỦY, CHỦ TỊCH VĂN BÚT VNHN VĐBHK

  VĂN THƠ và VĂN BÚT Phương Hoa Chiều Hội Ngộ Cảm Tác    ( Tam khúc liên châu )   Chiều Bắc Cali nắng dịu dàng Mây trời vẹt lối ...